Bài viết về ngày 7- 5 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
- Thứ ba - 04/05/2021 22:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mỗi dịp đến ngày 7/5 hàng năm, tất cả các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đều hướng về Thành Phố Điện Biên Phủ chào mừng sự kiện chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2021)
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vô cùng vẻ vang trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của cả dân tộc.
Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh, từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái, nghĩa là "Xứ Trời", gắn với truyền thuyết về sự phát sinh ra dân tộc Thái. Tên gọi Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên. Điện nghĩa là "kiến lập", Biên nghĩa là "vùng biên giới, biên ải". Hiện nay, Điện Biên Phủ là thành phố tỉnh lỵ tỉnh Điện Biên ở Tây Bắc nước ta.Thành phố này nằm trong khu thung lũng Mường Thanh với chiều dài khoảng 20km và chiều rộng 6km, cách biên giới với Lào khoảng 35km, cách Hà Nội 474km.
Các chứng tích trong cuộc chiến năm xưa giờ đã trở thành quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia ngày 28-4-1962. Ngày 7-5-2004, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được khánh thành trên đồi D1 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, là biểu tượng cho chiến thắng và hòa bình. Các di tích nổi bật của chiến trường Điện Biên bao gồm Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, là nơi lưu giữ, trưng bày hơn 500 hiện vật, tranh ảnh, tư liệu... mô tả khái quát toàn bộ cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của quân và dân ta để làm nên chiến thắng vang dội của dân tộc.
67 năm đã đi qua, kể từ khoảnh khắc lịch sử 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, diện mạo mới của thành phố trẻ Điện Biên Phủ đã từng ngày đổi thay. Hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư; giao thông nội thị được rải thảm bê tông, lát gạch hành lang đường, cây xanh tỏa bóng mát; khu du lịch trung tâm và vùng phụ cận được quy hoạch. Các điểm di tích lịch sử như Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ; Sở chỉ huy, công viên chiến thắng ở Mường Phăng; đường kéo pháo... được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, trùng tu, chào mừng 67 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nhiều điểm du lịch, vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn; công trình phúc lợi; kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, làm thay đổi bộ mặt đô thị, tạo môi trường văn hóa, điều kiện sinh hoạt cho người dân địa phương và khách du lịch thập phương đến thăm quan.
Từ một bãi chiến trường bị bom đạn cày xới và ngổn ngang chiến tích, nay Mường Thanh đã trở thành cánh đồng lúa mênh mông ngút tầm mắt. Từ một nơi thuần nông, mang nặng tính tiêu thụ, Điện Biên đã từng bước trở thành địa bàn chế biến tiêu thụ sản phẩm; gia công các sản phẩm công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, góp phần quan trọng đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng tự cung tự cấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, sản xuất hàng hóa phát triển. Đến Điện Biên, mỗi người chúng ta không chỉ được sống lại ký ức hào hùng của lịch sử, mà mảnh đất này còn in đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Bắc. Họ là những chủ nhân của nơi 67 năm trước đây dân tộc ta ghi những "thiên sử vàng" vào trang sử chống ngoại xâm của dân tộc.